Mỗi ngày trôi qua chỉ có 5 – 10 khách ghé qua cửa hàng. Hàng nhập về nhiều không bán được, sáng tươi ngon chiều thối hỏng…
Trần Quân – CEO Sói Biển – khởi nghiệp với 20 triệu đồng để dành. Sau khi đặt cọc cửa hàng hết 5 triệu, Quân còn lại 15 triệu. Số vốn quá ít ỏi, Quân tìm cách vay mượn từ bạn bè người thân, tổng cộng được 120 triệu đồng.
Trong cửa hàng đầu tiên ở Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ có một tủ hải sản, xung quanh là vài gói đồ khô, gia vị, nước mắm đơn giản. Ngày khai trương, có nhiều bạn bè, người thân đến chúc mừng, khách hàng cũng tới rất đông. Hàng cũng nhập về rất nhiều.
Cú sốc đầu tiên
Doanh thu ngày đầu của Sói Biển là 8 triệu đồng. Ngày thứ hai, cửa hàng thu được 6 triệu đồng và doanh số cứ thế giảm dần. Sau 1 tuần thì chạm đáy 500 nghìn đồng/ngày. Tuần thứ hai doanh số bán hàng chỉ bằng 1/6 tuần đầu.
Mỗi ngày trôi qua chỉ có 5 – 10 khách ghé qua cửa hàng. Hàng nhập về nhiều không bán được, sáng tươi ngon chiều thối hỏng, tiền lỗ lên tới vài triệu một ngày. “Lúc đó kinh nghiệm đặt hàng chưa chuẩn. Nhập về cả một tủ hải sản, một tủ thịt đầy, sau đó là về phải mang về luộc ăn, chia cho người nhà, tặng người yêu, tặng luôn cả… bạn bè người yêu”, Quân nhớ lại.
Sau khi khai trương 2 tuần, Trần Quân cho 2 nhân viên nghỉ việc để tiết kiệm chi phí, tự mình nhập hàng, bán hàng và hỏi thăm ý kiến khách hàng để hoàn thiện cửa hàng hơn.
Việc khách hàng không tin mình là khó khăn lớn nhất khi mở cửa hàng thực phẩm sạch đầu tiên – Trần Quân.
Cái khó ló cái khôn. Giữa lúc, Trần Quân nảy ra ý tưởng… mở show: Tự tay mổ con cá ngừ tươi ngay tại cửa hàng.
“Tôi còn nhớ như in, trước ngày cá ngừ về tôi không sao ngủ được. Từ bé đến lớn tôi chưa bao giờ mổ con cá trên 1 kg nhưng hôm đó tôi đã mổ con cá ngừ đại dương nặng gần 60 kg trong 2 tiếng. Khách hàng vây kín, hôm đó một mẩu xương cá cũng không còn.”
Sự kiện này xuất hiện trên mặt báo. Sói Biển được biết đến nhiều hơn, khách đến đông hơn. Nhiều người bắt đầu biết đến Sói Biển hơn.
Những bài học nhớ đời
“Mở cửa hàng ra mà không ai đến mua; xem hàng nhưng không mua; thấy giá đắt quá không mua… Đó là những khó khăn trong ngành thực phẩm sạch”, Quân đúc kết. Anh cho biết việc khách hàng không tin mình là khó khăn lớn nhất khi mới mở cửa hàng sạch đầu tiên.
Một khó khăn khác nữa trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm là vấn đề quản lý hàng tồn kho. Câu chuyện chia nhau cả tủ thịt cá từ những ngày đầu vẫn luôn được các anh em nhắc đến như một bài học đắt giá cho việc đặt và xử lý hàng tồn ở Sói Biển.
“Thực phẩm sạch có hạn sử dụng ngắn nên việc quản lý hàng hóa vô cùng quan trọng. Để sản phẩm tươi mới mỗi ngày thì cần đào tạo cho mọi người rằng số lượng khách hàng này phải đúng với số lượng hàng, hệ thống quản lý phải bám sát với nhu cầu, biết số lượng hàng ở cửa hàng là bao nhiêu, thực tế đến từng phút luôn,” Trần Quân chia sẻ.
Với thực tế ở Sói Biển trong thời điểm hiện tại, Trần Quân nêu ra 3 giải pháp để đối mặt với thời hạn sử dụng ngắn ngủi của thực phẩm:
– Đặt theo nhu cầu thực tế của cửa hàng.
– Các cửa hàng hỗ trợ lẫn nhau: Cửa hàng thừa chuyển cho cửa hàng thiếu.
– Đến cuối ngày giảm giá 20-30% để hôm sau luôn nhập hàng tươi.
Nói về ngành bán lẻ thực phẩm, CEO Sói Biển cho biết lựa chọn bạn hàng uy tín luôn là ưu tiên để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi các thương hiệu khác nhau tìm ra nguồn hàng tương tự và đồng nhất về chất lượng, điều giúp một chuỗi nổi trội hơn là cách xây dựng cửa hàng và cung cách phục vụ của nhân viên.
“Trong lĩnh vực thực phẩm sạch, khoảng 3-4 năm trước, việc đầu tư cho một hệ thống sạch bài bản chưa được chuyên nghiệp. Ví dụ như thiết kế cửa hàng, cái quầy cái giá cái kệ cái tủ không giúp đảm bảo về chất lượng thực phẩm. Nhận diện thương hiệu và thiết kế bài trí cửa hàng không được bắt mắt. Cung cách phục vụ cũng chưa tốt. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác”, Quân nói.
Sói Biển hiện là một trong những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch có tên tuổi tại Hà Nội với 20 cửa hàng. Một số doanh nghiệp khác có thể kể tên là Bác Tôm với 22 cửa hàng, CleverFood với 5 cửa hàng.
Theo: Thảo Thảo(Trí thức trẻ)