Trước khi là doanh nhận, bạn là ai? Trước khi là doanh nhân, tôi là một kẻ học mót. Dưới đây là những bài học tôi đúc rút ra được từ chính những gì tôi đã trải qua trên thương trường.
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN TỪ THƯƠNG TRƯỜNG: “BÁN CÁI THỊ TRƯỜNG CẦN, KHÔNG BÁN CÁI MÌNH CÓ”
Tôi đã học bài học này từ chính người cha của mình.
Là một người lính, một nhà khoa học thực nghiệm, cha tôi đã nỗ lực học hỏi để trở thành một nhà quản lý, một thuyền trưởng lèo lái con tàu với gần 2000 thủy thủ đoàn trong những năm đầu đổi mới.
Trong cái bấp bênh giữa chìm tàu và vượt qua bão tố, cha tôi đã biến các thuỷ thủ vốn chỉ quen đi đánh cá nuôi sẵn trong vịnh trở thành những chiến binh thực thụ. Bất kể thứ gì có khả năng bán ra thị trường và thu lại tiền mặt thật nhanh, từ làm dép lốp, đan chiếu tới sản xuất bia hơi và bánh kẹo, các thuỷ thủ đều học và làm.
BÀI HỌC THỨ HAI: “TẤN CÔNG VÀO THỊ TRƯỜNG NGÁCH” VÀ TẬN DỤNG “LỢI THẾ SO SÁNH”.
Không bằng lòng với cuộc sống thoi thóp, con tàu mà cha tôi làm thuyền trưởng có kỳ vọng tiến ra đại dương. Thay vì chọn những vùng biển được đánh giá là nhiều cá to, cha lại chọn con đường đánh bắt ven bờ, bắt cá bé. Tập trung vào thị trường tỉnh lẻ, xây dựng hệ thống đại lý phân cấp với những tiêu chí khá cụ thể và chưa có tiền lệ trên thị trường. Năng nhặt chặt bị, con tàu đã thắng lớn với cá đầy khoang.
BÀI HỌC THỨ BA :“LẤY MỠ NÓ RÁN NÓ”
Đây là bài học đến từ một người phụ nữ đáng khâm phục trong nỗ lực “giỏi kinh doanh, đảm việc nhà”. Từ chỗ là một giáo viên dạy bổ túc cấp hai, bà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng việc làm đại lý ký gửi cho các tiểu thương trong chợ. Hôm nay nhận hàng, ngày mai giao hàng; người mua trả tiền tay phải, người bán trả tiền tay trái và bà là người thu lời ở giữa. Trở thành một nữ doanh nhân khá nổi tiếng trong giới “buôn bán” hàng xuất nhập khẩu, bà đã giúp tôi thay đổi quan niệm lỗi thời về hành vi “chiếm dụng vốn”.
BÀI HỌC THỨ TƯ : “DỤNG NHÂN NHƯ DỤNG MỘC”
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ và một lời mời ở lại khoa làm giảng viên đại học, tôi nhất định chọn cách tự mình đi xin việc. Làm khá nhiều nghề, từ phiên dịch nửa mùa, đại diện thương mại (cũng nửa mùa), làm chân “điếu đóm” cho dân Mỹ thuật; chạy quảng cáo, làm bảo hiểm, bán hàng thủ công mỹ nghệ… Tiêu chí duy nhất của hầu hết thế hệ chúng tôi khi đó là “việc làm để có kinh nghiệm”.
Quá tự tin vào kiến thức được đào tạo theo lối truyền thống và những kỹ năng tự học, sau 4 năm ra trường, tôi hung hăng cho rằng mình đã đủ sức gia nhập cộng đồng doanh nhân.
Những bài học tự đúc kết bao giờ cũng có giá. Và cái giá ở đây thì không hề rẻ. “Dụng nhân như dụng mộc”, bài học thứ tư tôi học được qua sự trải nghiệm của chính mình cũng đáng giá như vậy. Đã có những ngày, nhân viên đồng lòng rủ nhau cùng nghỉ việc đi chơi, không phải vì họ không muốn làm việc, mà vì phản ứng lại “sếp”. Cũng đã có những lần ra quyết định sa thải, đuổi việc đêm trước, rồi sáng sớm hôm sau phải tìm cách hoá giải vấn đề sao cho “tâm phục khẩu phục”. Cũng không ít lần thấm thía “nuôi quân ba năm dụng một giờ”.
Trải qua nhiều thử thách, những thành viên đầu tiên có người cam kết gắn bó, có người đã thành CEO của tổ chức khác, nhưng cái “được” lớn nhất, là chúng tôi vẫn duy trì được mối liên kết trong đại gia đình chung, dâu có, rể có, các bé được nhận quà 1/6 thì đã không đếm đủ trên đầu ngón tay. Niềm vui của một doanh nhân, nhiều khi chỉ đơn giản là hạnh phúc gia đình,
BÀI HỌC THỨ NĂM: “LÀM MÀ CHƠI, CHƠI MÀ LÀM”
Đây là một bài học mà tôi rất thấm thía, là “cái đạo” của Cố GS Trần Quốc Vượng. Nói cách khác, các nhà tư vấn thường khuyên những kẻ khởi nghiệp, phải chọn cho mình nghề nghiệp mà mình thực sự đam mê; chọn đích đến mà bạn muốn trở thành; phấn đấu là chuyên gia trong lĩnh vực của mình…
Nếu không có sự đam mê thực sự, biến công việc đầy thử thách của mình thành một cuộc chơi; bạn sẽ khó có đủ lòng kiên trì và sự quyết tâm để vượt qua những chặng đường đầu đầy trở ngại và khó khăn.
Thêm nữa, nếu không biết “chơi mà làm”, thì bạn vẫn chỉ là một cỗ máy kiếm tiền, chứ chưa phải là doanh nhân thực thụ. Công việc sẽ nuốt chửng lấy tất cả mọi khoảng thời gian của bạn. Không còn chỗ cho gia đình, bè bạn và những giá trị sống khác.
Để đạt được đến cái “đạo” ấy, có lẽ bản thân người viết cùng còn phải nỗ lực rất nhiều.
BÀI HỌC THỨ SÁU: “THƯƠNG HIỆU GIỐNG NHƯ MỘT CON NGƯỜI”
Thương hiệu cũng có bản sắc, có văn hoá, có phong cách cá nhân, có tính cách và gợi cảm xúc, có “giá trị đích thực”; có thực lực nội tại. Những điều này chính là sự tích luỹ chủ động, tạo nên “giá trị có thể định giá được” của một loại tài sản tưởng như vô hình. Nhiều khi, tài sản đó là tất cả những gì bạn có, và nên có.
Trong giai đoạn đầu tiên, con đường mà chúng tôi đã đi không phải là một đại lộ trải hoa hồng. Đi bộ, sợ ô tô và xe máy, chúng tôi chọn đường liên xã. Đôi lúc đi vào đường vòng, đường cụt, phải tự mở đường…, nhưng chính vì có định hướng, xác định được “giá trị cốt lõi” của tổ chức là “Sáng tạo giá trị” và “Luôn gia tăng giá trị cho khách hàng” bằng nỗ lực Nhiệt thành – Cộng tác – Chia sẻ – Toàn tâm, nên đã không lạc lối.
Thành tựu bước đầu, dù chỉ là việc biết mình đang đi trên đường quốc lộ thênh thang, quả thật, cũng tốn không ít mồ hôi, thời gian và tiền bạc. Nếu xét đến các chi phí cơ hội khác, thì rất có thể một lúc nào đó, bạn sẽ tự hỏi, liệu việc mình chọn con đường này có đúng hay không?
Có một nhà tâm lý đã nói một phương pháp rất giản dị để sửa sai. Hãy tự vấn “nếu tất cả bắt đầu lại từ đầu”, “từ một con số không tròn trĩnh, bạn sẽ làm gì?” – Nhà tâm lý khuyên bạn ngay lập tức có thể “làm lại” theo cách mà bạn muốn.
Tôi sẽ vẫn chọn con đường mà mình đã đi. Còn bạn thì sao?