Trí tuệ nhân tạo là cốt lõi trong quản trị
Trí tuệ nhân tạo và những tác động của nó tới nền kinh tế là những nội dung được quan tâm nhất tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội. Trí tuệ nhân tạo là cốt lõi trong quản trị, tác động mạnh mẽ tới mọi ngành nghề là một số ý kiến từ các đại biểu tham dự diễn đàn này.
8.700 tỉ USD cho Nhật Bản, 7.000 tỉ USD cho Trung Quốc là ước tính giá trị mang lại của trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất đang là xu thế tại nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, mặc dù điều kiện kỹ thuật để tự phát triển AI còn hạn chế nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet của Việt Nam trong 3 năm qua, đạt hơn 38%, cùng với sự cởi mở của người dùng đang mang đến những cơ hội mới cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Trước những dịch chuyển của kinh tế thế giới, chuyển đổi số chắc chắn sẽ là tất yếu trong tương lai của kinh tế Việt Nam. Cùng với quá trình chuyển đổi số sẽ là sự thay đổi trong phương thức sản xuất và cấu trúc lực lượng lao động. Bài toán đặt ra lúc này là làm thế nào để thích nghi với những thay đổi và sẵn sàng nắm bắt cơ hội của mình.
Theo tính toán từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sau hơn 20 năm, Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu người dùng Internet, đứng thứ 16 toàn cầu. Đây là một tiềm năng lớn cho công nghiệp nội dung số nói riêng và kinh tế số nói chung.
Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội lớn trước mắt, người lao động Việt Nam sẽ phải sẵn sàng với việc có thể mất việc làm vào tay các máy tính.
Để sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các chuyên gia cho rằng, thay vì lo lắng mất việc làm, mỗi người sẽ phải chủ động tiếp cận và tích lũy những kỹ năng mới, sẵn sàng cho việc làm chủ các cỗ máy hiện đại trong tương lai.
Chuyển đổi số chắc chắn đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, cho các nhà quản lý khi phải thay đổi từ tư duy quản trị, các chính sách pháp luật cho tới các phương thức kinh doanh. Việt Nam có vượt qua thách thức và tạo ra được bứt phá được hay không, điều đó phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng với những dịch chuyển mới.
Ứng dụng ở hầu hết các ngành nghề
Một nghiên cứu của SLI system cho biết các nhà bán lẻ tại Mỹ đang hoặc sẽ triển khai ứng dụng AI ở một mức độ nhất định. Theo thống kê của Accenture, ứng dụng của AI trong ngành bán buôn và bán lẻ sẽ chạm mức 59% vào năm 2035.
AI thay đổi cách chúng ta di chuyển. Một trong những khả năng tuyệt vời của AI là tìm ra các khuôn mẫu trong các tập dữ liệu khổng lồ và đưa ra các phương pháp giải quyết tối ưu. Điều này chắc chắn sẽ giúp cắt giảm chi phí và tăng tính hiệu quả hơn so với phương pháp dự đoán truyền thống trong ngành vận tải và logistic.
Trước những dịch chuyển của kinh tế thế giới, chuyển đổi số chắc chắn sẽ là tất yếu trong tương lai của kinh tế Việt Nam.
Các ngân hàng đã bắt đầu sử dụng AI để bảo mật thông tin khách hàng hay đóng giả các tư vấn viên trong các giao tiếp trực tuyến. Trong các lĩnh vực khác thì ứng dụng AI vẫn đang ở bước đầu nhưng bảo mật thông tin điện tử sử dụng AI đang được sử dụng rộng rãi trong ngân hàng.
Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng ở hầu hết các ngành nghề, thay thế cho lao động giá rẻ và rút ngắn được chu trình sản xuất.
Chẳng hạn trong ngành logistic tại Việt Nam, việc phân tích dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tới gần 30% chi phí nhiên liệu cùng các nguồn lực khác. Tuy nhiên, làm thế nào để thu thập, lưu trữ và khai thác hiệu quả dữ liệu là một bài toán khó đối với nền kinh tế.
“Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu, việc lưu trữ dữ liệu trong nước làm giảm GDP của các quốc gia xấp xỉ 1%, riêng Việt Nam, việc bắt buộc lưu trữ dữ liệu nội địa có thể làm sụt giảm GDP tới 1,7%. Do đó, Việt Nam cần phải cân bằng giữa bảo vệ dữ liệu, các quyền quyền riêng tư với mục tiêu phát triển kinh tế bởi để phát triển kinh tế số rất cần có dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia”, ông Yam Ki Chan – Google khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ.
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư