Có những người 25, 30 tuổi, khăng khăng mình đã lớn, nhưng thực ra lại sống với cảm xúc và tư duy không khác gì một đứa trẻ to xác? Liệu bạn đã thực sự lớn chưa?
Nghe thì quá hiển nhiên phải không. Tất cả chúng ta đều đã trưởng thành. Chúng ta cao to, có một công việc, biết lái xe, có người yêu và đi ngủ muộn.
Tuy nhiên, những biểu hiện bề ngoài như thế thường không phản ánh đầy đủ sự phức tạp trong quá trình trưởng thành tâm lý bên trong.
Trên thực tế, rất nhiều người vẫn còn là một “đứa trẻ to xác”, và thậm chí đến 25-30 tuổi, họ vẫn hành động như một đứa trẻ con thuở nhỏ mà thiếu sự chín chắn thực sự trong cảm xúc và tư duy.
Rất nhiều người phải mất rất lâu để nhận ra rằng họ thực sự tự do, đã qua rồi thời phải xin phép ai đó, như bố mẹ, giáo viên, anh chị…để rồi mới được quyền sống như mình khao khát.
Chúng ta đợi cả năm trời trước khi dám bỏ công việc chán nản, mà thực sự là chẳng ai quan tâm lắm nếu ngày mai bạn có nghỉ việc. Tuy vậy, bạn vẫn cảm thấy mình cần một sự “đồng ý” nào đó để hành động như ngày còn bé.
Chúng ta sống trong nỗi sợ rằng mình sẽ làm thất vọng “công chúng”, vì thế làm việc gì cũng lo ‘nhỡ mọi người chê cười’ thì sao.
Chúng ta đợi một ai đó “có thẩm quyền”, những người thực sự hiểu chuyện để cho phép trước khi dám làm điều gì đó mình khao khát. Nhưng sự thật là, chẳng có một ai có thể giúp bạn, hiểu bạn, quyết định được mọi việc cho bạn bằng chính bạn được cả.
Chúng ta để những cái “nhãn vở” thuở nhỏ, “Nó là một đứa trầm tính”, “Cậu này từ nhỏ đã học dốt rồi”, “Cha mẹ lúc nào cũng phải bận tâm về nó”, mặc dù đã hết hạn sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục quyết định căn tính hiện tại của mình.
Trở thành một người lớn, trưởng thành về mặt cảm xúc đòi hỏi một sự bỏ lại những định kiến của một đứa trẻ.
Những người có thẩm quyền, hồi bé là cha mẹ và thầy cô, bây giờ là sếp, có thể sai, và bạn có quyền không phải nghe lời họ.
Những người làm ta đau, thay vì chỉ biết khóc và chịu tổn thương như hồi nhỏ, lớn có nghĩa là bình tĩnh nói ra điều gì đã làm bạn đau đớn, và yêu cầu người khác ngừng làm như vậy.
Nhưng bước đầu tiên trên con đường trở thành một người “lớn” thực sự là chấp nhận rằng cho dù bạn đã 25 tuổi, đâu đó bên trong bạn, theo một cách tinh tế, vẫn có những tính cách rất trẻ con.
Khi bạn thừa nhận, tuy mình lớn, nhưng đôi lúc vẫn chỉ là một “đứa trẻ to xác”, lúc đó bạn mới bắt đầu đang trưởng thành thực sự.
Theo: Cafebiz