Sau một thời gian dài nhận được sự cảnh báo từ Australia về khả năng “hủy diệt” của công nghệ 5G, giờ đây Mỹ đang ráo riết vận động chống lại “ông trùm” viễn thông Trung Quốc – Huawei với lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng sự thống trị mang 5G để phục vụ hoạt động gián điệp và phá hoại.
Người Mỹ hiện đang vận động mạnh mẽ để ngăn chặn Huawei, đây là một phần trong kế hoạch lớn nhằm hạn chế sức mạnh quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Tăng cường các hoạt động không gian mạng là một bước quan trọng trong cuộc đại tu quân sự mà ông Tập Cận Bình đã phát động ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012. Mỹ cũng đã cáo buộc Trung Quốc mở các cuộc tấn công quy mô lớn, được chính phủ tài trợ.
Nếu Huawei xây được chỗ đứng vững chắc trong hệ thống mạng 5G toàn cầu, Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ có một cơ hội chưa từng có để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng và thỏa hiệp để chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh quan trọng của Mỹ. Các quan chức an ninh cao cấp của phương Tây cho biết việc này có khả năng dẫn đến những cuộc tấn công mạng vào các công trình công cộng, mạng và các trung tâm tài chính quan trọng.
Trong bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào, các cuộc tấn công như vậy sẽ thay đổi mạnh mẽ về bản chất của chiến tranh: Kinh tế bị tổn hại, cuộc sống người dân bị đảo lộn, xa hơn nữa là các xung đột… mà không cần đến súng đạn hay bom mìn.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn Huawei hiện là một thách thức lớn đối với Washington và các đồng minh thân cận, đặc biệt là các thành viên của một nhóm được gọi là Nhóm chia sẻ thông tin “Five Eyes” gồm cả Anh, Canada, Australia và New Zealand.
Các quốc gia cấm vận Huawei lại đang đối mặt nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa. Kể từ khi cấm Huawei tham gia vào các kế hoạch 5G của mình vào năm ngoái, Australia đã gặp muôn vàn rào cản trong xuất khẩu than sang Trung Quốc, bao gồm cả sự trễ nải của hải quan từ phía nước này. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng họ áp dụng quy trình như nhau với than từ tất cả các nước. Đồng thời họ cũng khẳng định, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than Australia đơn giản vì không phù hợp với nhu cầu thực tế.
Căng thẳng với Huawei cũng đang gây chia rẽ trong nhóm Five Eyes, vốn là một trong những nền tảng của an ninh phương Tây sau Thế chiến thứ hai. Trong chuyến thăm London vào ngày 8/ 5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một cảnh báo rất rắn tới Anh, vì nước này không mạnh dạn nói không với Huawei trong việc triển khai mạng 5G. Ông cho rằng: “Những biện pháp an ninh không đủ mạnh sẽ cản trở Mỹ chia sẻ thông tin với các mạng lưới họ tin tưởng. Đây chính xác là những gì Trung Quốc muốn, họ muốn chia rẽ các nước trong liên minh Five Eyes thông qua vũ khí số, chứ không phải bom đạn.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại trụ sở của công ty ở Thâm Quyến, Eric Xu, Phó Chủ tịch Huawei cho biết, họ không cho phép bất kỳ chính phủ nào cài đặt cái gọi là “cửa sau” trong thiết bị của mình để truy cập bất hợp pháp nhằm phục vụ gián điệp hoặc phá hoại – và khẳng định Huawei sẽ không bao giờ làm như vậy. Ông cũng cho biết 5G an toàn hơn những thế hệ mạng di động trước đó.
Công cuộc ngăn chặn Huawei dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả những làn sóng xung đột chính trị ẩn bên trong.