Hướng nội là tính cách
Người nói ít không có nghĩa là họ nói dở và ngược lại, người nói nhiều chưa chắc đã nói hay. Tôi vẫn nhớ như in một người bạn học cùng lớp hồi học đại học năm nhất, trông vẻ bề ngoài cô ấy cực kỳ ít nói và rất khó gần. Cho đến một hôm nhóm cô ấy phải trình bày trong buổi thuyết trình trước lớp, cô ấy là người được cử để trình bày. Ban đầu ai cũng nghĩ buổi học ngày hôm nay sẽ thật nhạt nhẽo, thậm chí có một số người sẵn sàng lôi cặp ra để làm… gối ngủ. Nhưng không, ai ai cũng vô cùng ngạc nhiên trầm trồ ngưỡng mộ trước tài năng diễn thuyết của cô ấy, bởi vì trước đây chưa ai thấy cô ấy như vậy. Thêm vào đó,khi nói chuyện hay có việc gì cần giúp đỡ, cô ấy luôn sẵn lòng và rất thật thà tốt bụng, chỉ là cô ấy ít nói mà thôi.
Có ít nhất một phần ba trong chúng ta là người hướng nội. Người hướng nội là người thích quan sát hơn là hoà nhập cùng đám đông, họ thích làm việc độc lập hơn là làm việc nhóm, họ thích lắng nghe hơn là tranh luận trong một cuộc hội thoại, nếu có thì phải đúng chủ đề họ đang thực sự quan tâm.
Thực tế cũng chứng minh không ít những thành tựu to lớn của những nghệ sĩ hay danh nhân đóng góp cho xã hội, như Rosa Parks, Chopin, Dr. Seuss, Steve Wozniak… Trong cuốn Hướng Nội, Susan Cain chỉ ra được rằng chúng ta đánh giá quá thấp những người hướng nội và rằng sai lầm này đã khiến chúng ta thiệt thòi đến mức nào. Bà giới thiệu cho chúng ta biết những người hướng nội thành đạt – từ một diễn giả hóm hỉnh, năng động phải tìm không gian tĩnh lặng để phục hồi năng lượng sau mỗi lần diễn thuyết, cho đến một nhân viên phá kỷ lục bán hàng biết thầm lặng khai phá sức mạnh của những câu hỏi.
Như vậy, hướng nội được hiểu rằng là một phần quan trọng trong con người, và những người hướng nội nên trân trọng bản tính trầm tư suy nghĩ của mình. Nên bớt dằn vặt mình vì tính trầm lặng và ít thể hiện. Họ biết rằng mình có thể tự đứng vững khi cần.
Giao tiếp là kỹ năng
Trong tâm lý học hoạt động, hoạt động giao tiếp đóng vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách của con người.
Bạn có nhớ thời điểm mà bạn khao khát được nói chuyện cùng ai đó không? Đó có phải lần đầu tiên bạn tức giận cha mẹ dữ dội không? Có phải lần đầu tiên chia sẻ về thần tượng mà chỉ có người kia mới hiểu được? Và khi gặp được người ấy bạn cảm thấy mình thật may mắn, cuộc sống đã thật công bằng khi mang lại sự nhân duyên gặp gỡ ấy cho bạn. Rằng trên đời có một người luôn lắng nghe, ủng hộ và “hợp cạ” đến như thế. Từ chuyện học tập cho đến tình yêu, từ gặp một bài toán khó cho đến thích thầm một anh lớp trên, miễn là có người đó, bạn cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn bao giờ hết. Lúc ấy lũ trẻ con đối với bạn chỉ là lũ trẻ trâu vắt mũi chưa sạch, hay với người lớn thì họ chẳng biết cái quái gì về cuộc đời bạn hết. Có lẽ ở thời điểm ấy ai cũng đã từng trải qua.
Quá trình giao tiếp diễn ra xuyên suốt trong mọi hoạt động đời sống của con người, chúng ta tập nói từ khi lên hai và được thúc đẩy mạnh mẽ nhất từ khi bước vào tuổi vị thành niên, tuổi khẳng định bản thân và đang trong quá trình hình thành nhân cách mạnh mẽ. Lớn hơn chút nữa, giao tiếp như một nhu cầu tìm kiếm bản sắc cá nhân, quẩn quanh trong việc tìm ngành, chọn nghề. Lúc ấy, chúng ta phải chật vật với những câu hỏi: Tôi là ai? Tương lai tôi sẽ làm gì?… Hoạt động giao tiếp lúc ấy cực kỳ quan trọng, bởi những người bạn gặp như thế nào sẽ ảnh hưởng tới bạn như thế đó, gặp nhiều người giỏi trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi hay những người cùng sở thích có thể sẽ giúp bạn củng cố năng lực và tự tin hơn vào bản thân mình, ngược lại, nếu gặp những người không cùng lý tưởng, có thể bạn sẽ cảm thấy nhụt chí và có thể đi sai một con đường.
Một yếu tố quan trọng nữa trong quá trình giao tiếp chính là lượng kiến thức mà mỗi người có được. Tôi cũng vốn là một người siêu hướng nội, nhưng thay vào đó tôi chọn cho mình những người bạn không ai khác ngoài sách. Sách giúp tôi lĩnh hội không ít trí tuệ của tinh hoa nhân loại. Vì thế, trong bất cứ chủ đề nào của cuộc nói chuyện, những kiến thức được vận dụng không ít để giúp tôi có thể bắt đầu hay thúc đẩy bất kỳ một cuộc hội thoại nào đó.
Tóm lại, kỹ năng giao tiếp giỏi hay kém phụ thuộc chủ yếu vào đối tượng, tần suất và chất lượng kiến thức trong đó, có thể rèn luyện mỗi ngày. Giao tiếp tốt không phải là do bẩm sinh, mà do sự rèn luyện từ những khuyết thiếu.
Nên giao tiếp kém đừng đổ lỗi cho tính cách hướng nội – Cái kết của sự nhạt nhẽo
Tôi rất thích đọc cuốn Tuổi 20 tôi sống như một bông hoa dại của tác giả Trang xtd, trong đó có một đoạn nói rằng lạnh lùng chưa chắc đã là hướng nội, người ta thường bị phim ảnh làm mờ mắt. Những cô nàng thích xem phim Hàn, thích đọc ngôn tình thường thích những anh chàng lạnh lùng cool ngầu. Nhưng thực tế không như vậy, lạnh lùng ở đây thực ra là không biết nói gì cho phù hợp, nói sao để không bị vô duyên.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm nghiêm trọng hiện nay là do giao tiếp kém. Tôi đã gặp không ít bạn muốn bày tỏ mà không biết nói ra sao, muốn chia sẻ mà không biết trình bày thế nào, thành thử các bạn dần hình thành thói quen rụt rè nhút nhát đến tự xây những rào cản vô hình xung quanh. Họ sợ bị người khác phán xét, họ sợ khi nói ra sẽ không có ai hiểu được họ. Họ bắt đầu quen với việc tự giải quyết mọi thứ, tự chịu đựng những cảm xúc tồi tệ và lâu dần chúng tích tụ lại không kịp đào thải đi chỗ khác. Và cứ thế, họ rơi vào căn bệnh trầm cảm, luôn luôn có những ý nghĩ tiêu cực về bản thân cũng như cuộc sống.
Giải pháp đưa ra để cải thiện kĩ năng giao tiếp là sự rèn luyện, từ những điều nhỏ nhất. Giao tiếp không phải là nói thật nhiều, quan trọng đối tượng – họ là ai. Một người giao tiếp tốt không phải ai họ cũng có thể nói chuyện cùng, mà là họ biết ai mới có thể cùng họ nói chuyện. Như ở phần trên đã đề cập, việc chúng ta gặp “cạ cứng” sẽ khuyến khích chúng ta nói nhiều hơn và chia sẻ nhiều hơn. Khi sự giao tiếp đối với chúng ta trở nên tự nhiên hơn thì nghiễm nhiên sự trải lòng hay bày tỏ những điều cần giải quyết cũng dễ dàng hơn. Trên đời, chẳng ai hiểu hết được ai cả, chỉ có sự đồng cảm và cảm thông giữa người với người. Và chính giao tiếp là sự kết nối giữa những sự đồng cảm và thấu hiểu ấy – một trong những nhu cầu tối thiểu của con người.
Người hướng nội có vẻ đẹp riêng của họ. Họ thích thành công trong âm thầm và không quá ồn ào khi bày tỏ cảm xúc. Họ mặc dù không có nhiều bạn nhưng những người bạn của họ thực sự “chất lượng”. Họ có không gian yên tĩnh để tĩnh tâm, để chữa lành tâm trí và để hồi phục nội tâm.
Đừng vì giao tiếp kém mà lầm tưởng mình thực sự cô đơn lạc lõng và không ai có thể hiểu nổi mình. Đừng để sự nhạt nhẽo do sự lười biếng, sự nghèo nàn do thiếu kiến thức mà đổ lỗi do tính cách hướng nội.
Tác Giả:Nông Thị Yến Nhi – ĐHKHXH&NV